Cầm trên tay cuốn sách nhỏ “Những thằng già nhớ mẹ” của tác giả Vũ Thế Thành làm độc giả, bất kể già hay chưa, đều quay quắt nhớ. Nhớ mẹ. Nhớ quê.
Lật mở trang sách, đọc lời nhắn gửi, tác giả gọi những người U30, U40 là “các bạn trẻ” những bạn U20 hẳn sẽ bật cười. U30, U40 mà trẻ!
Thì còn trẻ chứ gì nữa. Ngay cả đối với tác giả Vũ Thế Thành, mái đầu đã điểm sương, trong mắt mẹ, ông vẫn chẳng phải thuộc diện “phải quan tâm đặc biệt” đó sao?
Ông tâm sự: “Ba tôi mất sớm. Mẹ tôi là người đàn bà không biết chữ, bán xôi dạo nuôi tôi ăn học. Nay kiến thức tôi đủ để đứng trên bục giảng đường đại học. Nhưng kiến thức dù to lớn đến đâu cũng chỉ là phương tiện, chỉ có tấm lòng đơn sơ mới tạo ra nhân cách. Tôi chợt thấy mình nhỏ bé, quá nhỏ bé so với bà”.
Mẹ ông, như hàng triệu bà mẹ Việt Nam khác: nhỏ bé, hiền lành, mộc mạc, đơn sơ. Với gánh xôi trên vai, bà gồng gánh nuôi con từ mùa mưa qua mùa nắng.
Hay cái giọng ngậm ngùi tâm sự của một vị tổng giám đốc được Vũ Thế Thành kể lại trong sách: “Mất mẹ, tớ cảm thấy cuộc sống thiêu thiếu thế nào ấy… Tớ muốn trồng giàn bầu hoặc giàn mướp ở sau nhà cho mát, trồng cây nào thì hay hơn vì tớ sợ kiến… Tớ vẫn hay hỏi bà những chuyện lặt vặt như thế. Bây giờ bà mất, tớ chẳng biết hỏi ai…”.
Với tác giả “bông hồng đỏ hay bông hồng trắng cho ngày của Mẹ, đối với tôi chỉ là biểu tượng, chẳng ép phê gì. Ký ức về mẹ, dù gần hay xa mới là điều nhức nhối”.
“Tóc tôi đã bạc quá nửa. Rồi cũng đến ngày phải ra đi. Không biết ở cảnh giới khác, hai mẹ con có gặp nhau không? Tôi chắc mẹ sẽ nhận ra tôi, bà nhận ra tôi bằng trái tim muôn kiếp của người mẹ. Còn tôi, tôi cũng sẽ nhận ra mẹ tôi, tôi nhận ra bà từ bản năng của thằng ăn hại”.
Tác giả Vũ Thế Thành nhắn nhủ “Các bạn trẻ hẳn có nhiều cơ may còn mẹ. Hãy biết trân trọng và tận dụng thời gian bên mẹ… Thời gian chẳng quay lại, và cũng chẳng làm nguôi ngoai nỗi nhớ đâu! Những giọt lệ già mà nhớ mẹ, như nuốt ngược vào tim, mặn biết chừng nào!”
Mời bạn đón đọc. |